Furin - chuông gió Nhật Bản, “fu” là gió và “rin” là chuông. Tiền thân của Furin được cho là một loại chuông có tên là Futaku (nghĩa là Chuông treo) được cho là xuất hiện trong thời kỳ Kamakura. Nhiều người dân dưới thời Muromachi đã thích nghe tiếng chuông gió Furin.
Thời Edo, những người bán rong để Furin ở trong những bao hàng vác trên vai đã khởi đầu cho sự lan truyền phong tục này trên khắp nước Nhật. Chiếc chuông Furin của thời kỳ Edo được trang trí bằng họa tiết sơn đã trở thành đại diện cho chuông gió Nhật hiện đại, một biểu tượng của sự may mắn trong văn hóa Á châu và trong phong thủy được xem như một thứ “bùa cầu may”.
Chuông gió Furin chủ yếu làm bằng thủy tinh tròn (ngoài ra còn có bằng kim loại, gốm…) có kích thước 4x5cm hoặc 8x7cm và một lưỡi treo xinh xắn vào trung tâm của chuông gió, bên trong thân chuông. Khi được treo lên, gặp gió va chạm vào thành chuông, tạo nên những âm thanh dễ chịu, vui tai. Dưới mỗi chiếc chuông Furin sẽ treo một mảnh giấy, gọi là “Tanzaku”. Trên Tanzaku có thể là những lời chúc may mắn, cầu bình an, có thể là những bài thơ ngắn gọn như thơ Haiku 17 âm tiết hoặc thơ Waka 31 âm tiết. Vì vậy, Furin được xem là “nơi gửi gắm ước niệm” của mỗi người Nhật.
Người Nhật quan niệm rằng mỗi màu sắc trên chuông gió Furin theo chủ ý của người chế tác hoặc người tặng sẽ mang một ý nghĩa riêng. Ví dụ: tượng trưng cho mặt trời soi sáng, xua đuổi tà ma là màu đỏ; màu xanh lam tượng trưng cho trời và biển; màu xanh lục đại diện cho cây cối tươi tốt là sức khỏe, không bị ốm đau; màu vàng mang bức tranh của mùa thu Nhật Bản với những cánh đồng lúa chín biểu trưng cho tiền bạc; màu trắng là màu áo cưới tinh khôi, biểu tượng của may mắn… Âm thanh của những chiếc chuông gió điểm thêm cho mùa hè một nét quyến rũ mê hoặc, gọi gió đến và xoa dịu cái nóng của trưa hè oi bức.
Trong thời kỳ Kamakura các giới quý tộc Nhật thường treo Furin trên cửa để ngăn chặn con quỷ Yakubyougami mang theo bệnh tật, thảm họa đột nhập vào nhà. Furin được coi là một vật bảo vệ chống lại các dịch bệnh và xua đuổi tà ma.
Chuông gió Furin là hồn của gió, sự kết hợp hài hòa của chuông và gió để tạo nên những âm vang trong trẻo của thiên nhiên, đất trời. Khi ngắm chiếc Furin nhẹ nhàng đung đưa trong làn gió thoảng và nghe những âm vang của chuông gió mang lại cảm giác thoải mái, bình yên.
Hình ảnh Furin treo dưới hiên nhà không chỉ mang lại cảm giác bình an cho gia chủ, mà còn được dùng trong phong thủy như một thứ “bùa cầu may”. Theo văn hóa người Nhật thì nên treo chuông gió ở giữa nhà hoặc trước cửa ra vào, cửa sổ, ở hướng xấu của căn nhà và đặc biệt nên treo chỗ có gió vì âm thanh của nó sẽ giúp tiêu tán, hoá giải hung khí, biến hung thành cát, mang lại điều an lành.
Chiếc chuông gió Furin còn được xem là vật gắn kết tình yêu đôi lứa với ý nghĩa “sẽ luôn bên em (sẽ luôn bên anh)”. Âm thanh chuông gió như bản tình ca đẹp, dẫn lối khi một người trong hai người lạc mất nhau, người này sẽ rung lên từng hồi chuông để chỉ đường cho người kia trở về.
Những chiếc chuông gió xinh xắn nhẹ nhàng đung đưa trong gió đã là hình ảnh quen thuộc tượng trưng cho mùa hè ở Nhật Bản. Vào những buổi trưa tiết trời oi ả, ngồi hóng mát hiên nhà và lắng nghe âm thanh leng keng trong trẻo của chuông gió Furin làm chúng ta cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái khó tả. Nếu một ai đó mang tặng bạn một chiếc chuông gió Furin thì có nghĩa người đó luôn muốn bạn may mắn, vui vẻ và hạnh phúc đấy!